Nguyễn Xuân Phúc và trò cắt mạng văn hóa - Dân Làm Báo

Nguyễn Xuân Phúc và trò cắt mạng văn hóa

Vũ Đông Hà (Danlambao) - Nguyễn Xuân Phúc lại vừa thể hiện thêm bản chất ngu xuẩn của cá nhân ông ta, phản ảnh tình trạng ngu toàn tập của cả hệ thống cai trị, khi ban hành nghị định phạt vạ việc sử dụng, lưu hành, tàng trữ, phổ biến những sản phẩm nghệ thuật. Qua sự việc này, chúng ta thấy rõ bản chất hồng vệ binh, lề lối của những tên thảo khấu bắt chước trò "cách mạng văn hóa" của Mao, và âm mưu kiếm thêm chút tiền phạt vạ của dân nhằm gia tăng khả năng làm giàu cho lãnh đạo và nuôi dưỡng lũ bầy đàn còn đảng còn tiền.

Nguyên tắc về tôn trọng và chấp hành pháp luật là không làm những gì pháp luật cấm. Trong lãnh vực cấm, luật pháp nghiêm minh là phải quy định rõ ràng, công bố, đồng thời tạo mọi điều kiện để người dân tham khảo và nắm rõ những gì công dân không được phép làm.

Ngược lại, tất cả những gì không nằm trong quy định cấm, người dân có quyền làm.

Ngày 20/3/2017, Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng của đảng CSVN đã ban hành Nghị định 28/2017/NĐ-CP. Trong đó có một số điều khoản như sau:

1. Phạt 20-25 triệu đồng đối với hành vi tàng trữnhân bảnphổ biếnghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã có quyết định cấm lưu hành hoặc quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy...

2. Phạt 15-20 triệu đồng đối với hành vi nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung.

3. Phạt 10-15 triệu đồng đối với hành vi bán, cho thuê, lưu hành hoặc tàng trữ bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung.

4. Phạt 15-20 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.

Tóm lại, những điều phạt này bao trùm 3 lãnh vực: (a) có quyết định cấm, (b) chưa được cấp giấy phép, (c) phản đạo đức.

Những câu hỏi được đặt ra:

(a) Trong lãnh vực cấm:

Hiện tại nhà nước CSVN đã ban hành danh sách toàn bộ những tác phẩm văn học, âm nhạc, điện ảnh, kịch nghệ, hội họa..., nói chung là tất cả những tác phẩm nghệ thuật, bị cấm bởi văn bản pháp luật chưa? Nếu có thì danh sách này đăng tải ở đâu để người dân tham khảo và chấp hành luật cấm. Nếu không thì làm thế nào để người dân biết được một sản phẩm nghệ thuật đang có trong tay là đồ bị cấm?

(b) Trong lãnh vực chưa được cấp giấy phép:

Hiện tại nhà nước CSVN đã ban hành danh sách toàn bộ những sản phẩm nghệ thuật chưa được cấp giấy phép chưa? Danh sách này có bao gồm toàn bộ những tác phẩm kéo dài suốt chiều dài lịch sử, trải rộng ra toàn nền văn học nghệ thuật của thế giới không? Hay chỉ loay hoay trong sự phân chia tác phẩm của VNCH trước 1975 và của cộng sản sau 1975? Thí dụ như Truyện Kiều của Nguyễn Du được cấp giấy phép phát hành sau năm 1975 thì được lưu hành, còn Truyện Kiều của Nguyễn Du với cùng nội dung, được in ấn trước 1975 tại miền Nam có bị phạt vì công dân đọc nó không?

(c) Trong lãnh vực phản đạo đức: 

Có tiêu chuẩn luật pháp nào được quy định rõ để dựa vào đó quyết định một cách đồng đều, nhất quán cho một sản phẩm nghệ thuật "có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam"? Giá trị và chuẩn mực đạo đức xã hội có được định nghĩa bằng luật không? hay được phán xét tại chỗ một cách tùy nghi bởi một công an không đọc nổi một trang sách luật, hoặc những quan tòa đảng viên cộng sản mà đạo đức cá nhân của họ vẫn là một dấu hỏi? Lằn ranh vi phạm thuần phong mỹ tục nằm ở đâu? Những bài thơ của Hồ Xuân Hương có vi phạm hay không? Và truyền thống văn hóa Việt Nam là gì? Nó có bị đồng hóa với cái gọi là truyền thống văn hóa cộng sản hay không?

Bên cạnh đó, nếu một sản phẩm được cho là "có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam" thì sao lại cho phép lưu hành để rồi có chuyện cấm? Còn nếu đã có lệnh cấm rồi thì sẽ không có sự hiện hữu những sản phẩm bị cho là phản đạo đức. Vậy thì tại sao lại có điều khoản này? Phải chăng là để sau đó tuỳ tiện áp dụng ngay cho những sản phẩm đã được phép phát hành?

Sau cùng, nhân danh nghị định này, công an có hành xử như cường hào ác bá Hồ Chí Minh kiểu Đoàn Ngọc Hải, tùy tiện xông vào nhà của bất cứ công dân nào để kiểm tra và phạt vạ mà không cần án lệnh khám xét của tòa? Và nếu xông vào nhà thì công an có trong tay danh mục những tác phẩm bị cấm, chưa có giấy phép để công dân đối chiếu không? Và một tên công an có thẩm quyền để phán xét một tác phẩm có nội dung vi phạm đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục không?

Tất cả những câu hỏi trên được đặt ra nhưng chúng ta đều rõ câu trả lời: Tất cả đều là "không có câu trả lời"!

Nhưng cần đưa ra để làm nổi bật tính ngu dốt, bản chất hồng vệ binh, lề lối của những tên thảo khấu bắt chước học đòi làm "cách mạng văn hóa" của Mao, và âm mưu kiếm thêm chút tiền phạt vạ của dân nhằm gia tăng khả năng làm giàu cho lãnh đạo và nuôi dưỡng lũ bầy đàn còn đảng còn tiền.

23.03.2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo